Chuyển đến nội dung chính

Trang phục Triều Trần (1225 - 1400)

Trang phục Hoàng đế
Nhà Trần tiếp nối nhà Lý một cách hòa bình nên các di sản và giá trị thời Lý vẫn được học theo cũng như vẫn có sự học hỏi từ nhà Tống bên Trung Quốc.
1) Lễ phục Hoàng đế
Lễ phục thời Trần của hoàng đế vẫn là Cổn Miện. Quy chế về căn bản vẫn như thời Lý.
Lê Tắc trong "An Nam chí lược" cho biết vua Trần có 4 loại mũ là : Mũ Miện, Mũ Thông Thiên, Mũ Phù Dung và Mũ Phốc Đầu.
2) Triều phục Hoàng đế
Theo ghi nhận của Lê Tắc trong "An Nam chí lược" thì vua Trần có bộ triều phục Quyển Vân, đội Mũ Quyển Vân (Quyển Vân Quan - 卷雲冠).
Tên gọi thực tế của Mũ Quyển Vân là Mũ Thông Thiên ( Thông Thiên Quan - 通天冠)  nhưng do dáng mũ uốn cong như mây cuốn nên tục gọi là Quyển Vân.
Ngô Tự Mục thời Tống cho biết : " Mũ Thông Thiên của vua Tống đều dùng hạt Bắc châu uốn kết lại, còn gọi là Mũ Quyển Vân".
Mạnh Nguyên Lão thời Tống cũng mô tả: " Hoàng đế đội mũ Thông Thiên, còn gọi là Mũ Quyển Vân, mặc áo bào đỏ, cầm ngọc khuê".

Hình 1. Ảnh Mũ Quyển Vân chụp từ "Tam tài đồ hội"

Hình 2. Chân dung Tống Tuyên Tổ Triệu Hoàng Ân đội mũ Quyển Vân

Theo quy chế nhà Tống, bộ triều phục Quyển Vân này vua mặc trong các dịp : cày ruộng Tịch Điền, ngày triều hội mùng 1 và Tết Nguyên Đán, khi tế tự, trai giới.
Kết cấu của bộ triều phục này gồm Mũ Quyển Vân kết hợp với Giáng sa bào màu đỏ may bằng the đỏ, phương tâm khúc lĩnh bằng lụa trắng, đại đới, tế tất và thường đỏ.

Hình 3. Mũ Quyển Vân nhà Minh

Hình 4. Chân dung Triều Tiên Cao Tông mặc triều phục Quyển Vân

Hình 5. Hình tượng vua Tống Cao Tông Triệu Cấu mặc triều phục Quyển Vân trong phim
“Tinh trung Nhạc Phi” (2013)

3) Thường phục Hoàng đế
Như đã dẫn ở trên, theo Lê Tắc trong "An Nam chí lược" cho biết vua Trần mặc thường phục Mũ Phù dung vào các buổi thường triều.
Mũ Phù Dung ( Phù Dung Quan - 芙蓉冠 ) là một loại mũ ảnh hưởng bởi tư tưởng của Đạo giáo, như chúng ta biết vào đời Trần, triều đình theo hướng Tam giáo đồng nguyên chứ không độc tôn Nho giáo, bên cạnh Phật giáo thì Đạo giáo cũng được yêu thích.
Mũ Phù Dung là loại mũ có dáng như đóa hoa mẫu đơn (Phù Dung) hoặc hoa sen .

Hình 6. Ảnh Mũ Phù Dung chụp từ "Tam tài đồ hội "

Hình 7. Mũ Phù Dung thời Minh được trưng bày tại Bảo tàng Nam Kinh

Các vua quan nhà Trần rất nhiều lần mặc trang phục ảnh hưởng từ Đạo giáo.
Ví dụ, trong "Đại Việt sử ký toàn thư" từng ghi nhận việc vua Trần Nhân Tông mặc quần áo của đạo sĩ tiếp sứ nhà Nguyên Trần Cương Trung, mà Trần Cương Trung phải khen rằng "Thanh thoát tựa như thần tiên, đến khi về nước vẫn cứ nói mãi về phong thái của vua", hoặc Trần Nhật Duật mặc áo xưởng hạc, đội mũ đạo sĩ làm phép trấn cho Trần Minh Tông khỏi ốm...

Hình 8. Chân dung Thái Thượng Lão Quân đội mũ Phù Dung

Hình 9. Chân dung vua Trần Anh Tông Trần Thuyên đội Mũ Phù Dung trong tác phẩm 

 Ngoài ra, dựa theo ghi chép của Lê Tắc trong "An Nam chí lược" : "Thường phục coi màu trắng là cao quý, người trong nước mặc màu trắng bị coi là tiếm chế, riêng phụ nữ không cấm".
Cộng với hình ảnh thực tế từ bộ tranh "Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ" trên thì có thể kết luận thường phục của vua Trần là đầu đội Mũ Phù Dung, mặc áo bào như kiểu nhà Tống tức là dạng áo bào trơn hoặc có hoa văn chìm, cổ tròn, có 2 vạt áo, màu trắng. 
Đây là sự kết hợp rất riêng biệt thể hiện nét đặc sắc của nhà Trần vì vua Tống không bao giờ mặc áo bào trắng  (bạch bào) với Mũ Phù Dung cả.

Hình 10.Chân dung Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận mặc áo bào trắng (bạch bào),
cổ tròn 2 vạt giống vua Trần (chỉ khác là đội Mũ Phốc Đầu)

Lưu ý: Bức “Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ” là bức tranh vẽ lại cảnh Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông lúc này đã đi tu xuống núi và được vua con là Trần Anh Tông đón, đây là tư liệu cực quý của nước ta rất đáng để mọi người tìm hiểu và có thể cũng là bức cổ họa hiếm hoi của nước ta còn tới nay.

Hình 11. Bức “Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ” (竹林大士出山)

4) Tiện phục Hoàng đế
Về tiện phục của vua Trần, sứ thần Nhà Nguyên Trần Cương Trung cho biết vua "búi tóc của vua bọc lại bằng lụa trắng, trông xa như luân cân của đạo sĩ".
Lê Tắc trong "An Nam chí lược" cho biết thêm: " Vua ngày thường đội Mũ Đường Cân" .
Đường Cân (唐巾) chính là cách gọi khác của Mũ Phốc Đầu nhưng không phải dạng Phốc Đầu cứng dáng vuông  mà là dạng Phốc Đầu mềm với 2 cánh chuồn buông thõng xuống giống chữ Bát .
Dạng Phốc Đầu mềm (thực chất là Khăn vấn đầu) với 2 dải buông xuống hình chữ Bát này cực kỳ phổ biến vào đời Đường nên có tục gọi là Đường Cân (Khăn thời Đường) tuy vậy nó còn được dùng tới tận giữa thời Tống và biến thể của nó thì còn tới tận thời Minh.

Hình 12. Ảnh Đường Cân chụp từ "Tam tài đồ hội"

Hình 13. Mũ Đường Cân trong bức họa “Hàn Hi Tái dạ yến đồ[1] của họa sĩ Cố Hoành Trung 
sống vào thời Ngũ Đại Thập Quốc

Hình 14. Mũ Đường Cân trong bức họa " Thính cầm đồ" của hoàng đế Tống Huy Tông Triệu Cát

Theo quy chế thời Đường thì chỉ có vua mới được đội Đường Cân (Phốc Đầu mềm) có cánh cứng, người khác phải đội mũ mềm. Tuy nhiên rất lạ là trong họa phẩm còn sót lại của thời Đường thì hầu hết các quan lại lẫn người thường đều dùng cả Đường Cân dạng khăn vấn lẫn dạng cứng, có lẽ quy định đó không có hiệu lực mấy hoặc sau bị phế bỏ.
Quay lại với vua Trần thì hẳn Đường Cân của vua Trần cũng vẫn là loại cánh cứng như thời Đường - Tống .
Ngoài ra, "Đại Việt sử ký toàn thư" còn viết rằng khi đi dự tiệc tiếp sứ vua Trần Minh Tông : "mặc giao lĩnh màu vàng bằng là, đội mũ, thắt dây thao".
Sứ Nguyên khi ra về có làm bài thơ tiễn biệt trong đó có câu tả vua Minh Tông dịch ra là :" ung dung trong bộ áo mũ với dải ngọc bội cổ và dải thân". Thân ở đây là đại đới (tức là thắt lưng lụa). 
Tổng kết lại tiện phục của vua Trần sẽ là đầu đội Đường Cân, áo mặc giao lĩnh dài 2 vạt, hông thắt dây thao và đại đới (đai lưng bằng lụa), dưới vẫn quấn thường. 
Dây thao là dây phụ kiện được tết bằng tơ loại tốt đeo cùng với đai lưng để làm đẹp.

Hình 15. Phục dựng tiện phục áo giao lĩnh vàng, Mũ Đường Cân, thao và đại đới của vua Trần trong "Ngàn năm áo mũ"


Người sưu tầm: Đỗ Xuân Giang



[1] Bữa tiệc đêm của Hàn Hi Tái.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

HÌNH ẢNH ÁO CỔN TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM

Hình ảnh áo Cổn đã được ghi chép trong hai bộ sử là Đại Việt Sử kí Toàn thư (thế kỉ XV) và Việt Sử lược ( được xác định là ra đời dưới thời  nhà Trần ) . Cả hai bộ sử đều thống nhất rằng áo Cổn đã xuất hiện từ thời nhà Đinh - Tiền Lê thông qua các chi tiết sau: Đại Việt Sử kí Toàn thư của Ngô Sĩ Liên có đoạn “ Thái hậu (tức Thái hậu Dương Vân Nga - Hoàng hậu của vua Đinh Tiên Hoàng) thấy mọi người đều vui lòng quy phục, bèn sai lấy áo (Long) Cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi Hoàng đế. Từ đó Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Thiên Phúc năm đầu [980], giáng phong vua làm Vệ Vương. ” Việt Sử lược cũng có cùng chi tiết “Thái hậu thấy lòng người theo phục, sai người lấy áo (Long) Cổn khoác lên mình vua, xin lên ngôi. Năm Canh Thìn (980), vua lên ngôi …” Như vậy, khi xem xét kĩ càng các chi tiết được đưa ra ta thấy cả hai bộ sử đều ghi nhận sự kiện Thái hậu Dương Vân Nga đã lấy áo (Long) Cổn của nhà Đinh khoác lên người Thập Đạo Tướng quân Lê Hoàn vào năm 980,...

Thiên Ninh công chúa

Thiên Ninh công chúa tên thật là Ngọc Tha hoặc Bạch Tha, con gái trưởng của vua Trần Minh Tông và Lệ Thánh hoàng hậu, bà đồng thời là chị ruột của vua Trần Dụ Tông.  Thiên Ninh công chúa là một trong những người phụ nữ có vai trò quan trọng nhất góp phần bảo vệ quyền lực của nhà Trần cũng như nước Đại Việt trong cảnh nội loạn và ngoại xâm.  Khác với những người phụ nữ họ Trần khác như Linh Từ Quốc Mẫu, An Tư công chúa, Huyền Trân công chúa .v.v. những người có tính ôn nhu hơn  và thực hiện nghĩa vụ theo sự sắp đăt của triều đình. Thì riêng bà là người chủ động, mạnh mẽ và quyết đoán hơn cả. Không dừng ở sự hỗ trợ, bà còn là người trực tiếp mưu tính cũng như tham gia chính sự nhằm cứu vãn cơ nghiệp nhà Trần. Đây là một người phụ nữ cá tính khác thường, một người đặt ra ngoài những ràng buộc lễ nghĩa thông thường vì những mục đích lớn hơn. Như việc bà thông dâm với chính em trai của mình là vua Trần Dụ Tông theo bài thuốc chữa bệnh liệt dương cho vua, khiến cho các n...