Chuyển đến nội dung chính

14 lần xâm lược nước Việt của giặc phương Bắc


Không kể những cuộc xâm lấn nhỏ, đã có 14 lần các triều đại phương Bắc xua đại quân xâm lược toàn diện nước Việt.
1. Cuộc xâm lược của nhà Ân
Theo sách vở Trung Hoa, năm 1218 TCN, Ân Cao Tôn đã đánh Quỷ Phương, vùng Đồng Đình. Ân Cao Tôn đóng quân tại đất Kinh, phía tả ngạn sông Dương Tử. Sau 3 năm, Ân Cao Tôn ‘không thắng’. [Nhà Ân còn được gọi là Nhà Hậu Thương].
Theo Truyền kỳ Phù Đổng của Việt Lạc, Ân Cao Tôn đã xâm lấn nước ta ba năm và đã bị đánh bại.
Như thế, theo Truyền kỳ Phù Đổng, cách đây 3200 năm, dân Việt Lạc đã là một quốc gia vững mạnh. Nước này đã có tổ chức chặt chẽ, có vua quan, có làng xã, có cúng tế, có lúa gạo, có vải áo, có lũy tre... đã đúc được ngựa sắt, roi sắt, đã có tinh thần dân tộc cao độ... và, theo sách vở Trung Hoa, đã chiến thắng giặc Ân vào thời kỳ hùng mạnh nhất của chúng.
[Vào thời kỳ này, tộc Hoa chưa thành hình. Phải hơn 100 năm sau, bộ lạc Chu mới gom góp các bộ lạc du mục khác ở vùng Thiểm Tây, và thành lập Nhà Chu. Từ đó, tộc Hoa mới thành hình và phát triển].
2. Cuộc xâm lược của nhà Tần
Năm 214 TCN, Tần Thủy Hoàng, vị vua đầu tiên của Trung Hoa, sai tướng Đồ Thư kéo 50 vạn quân xâm lăng vùng đất Việt Lạc. Nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Quảng Tây, Quảng Đông. Đây là đoàn quân tinh nhuệ vừa giúp Tần Thủy Hoàng đánh chiếm sáu nước và thành lập nước Trung Hoa.
Nhưng mấy năm sau, Đồ Thư đã bị quân Việt đánh bại, quân giặc chết quá nửa, Đồ Thư bị giết.
Theo cách hành quân của Trung Hoa, mỗi người lính đem theo một phu phục dịch. Số người vận chuyển lương thực cũng không được kể là lính. Vì vậy, số người Trung Hoa xâm nhập có thể nhiều gấp 3 lần con số quân lính được kể tới, dầu là con số trung thực.
3. Cuộc xâm lược của nhà Tây Hán
Năm 181 TCN, triều Hán sai Long Lân hầu Chu Táo kéo quân sang xâm phạm Lĩnh Nam, đánh Nam Việt. Theo sách vở Trung Hoa, quân Hán không chịu được thủy thổ phương Nam, nhiều người phải bịnh tật, bởi vậy phải thua chạy về bắc. Sau đó, triều Hán xét việc Nam chinh không lợi, nên không đánh nữa (!).
4. Cuộc xâm lược của nhà Đông Hán
Năm 30 SCN, Hán Quang Vũ áp đặt chế độ trực trị trên vùng đất Việt Lạc. Do đó, toàn dân Việt vùng lên kháng chiến, và bầu bà Trưng Trắc là Thủ Lãnh. Sau 10 năm, Dân ta đã đánh đuổi toàn bộ quân Tàu ra khỏi vùng đất Việt Lạc, chiếm lại 65 thành.
Thời gian qua, sách sử Trung Hoa đã giảm thiểu vùng đất và sức mạnh của dân Việt thời đó. Ngày nay, đã có đủ chứng cứ xác định vị trí, tình hình và vùng đất bao la của việc quân dân Việt đánh chiếm lại 65 thành, và đánh bại đại quân hùng hậu của hoàng đế Quang Vũ nhà Hán.
Thời đó, vùng đất Việt Lạc nay là Hồ Nam, Quý Châu, Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam, và một phần Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Giang Tây, Phúc Kiến của Trung Hoa, xuống tới Hải Vân... Và Hán Quang Vũ đã phải vận dụng toàn thể binh lực của ‘thiên triều’.
5. Cuộc xâm lược của nhà Lương
Năm 541, Lý Bôn đánh đuổi quân trú đóng Trung Hoa, giành độc lập. Năm 544 ông xưng là Nam Việt Đế, niên hiệu Thiên Đức, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân. Lập ra Nhà Tiền Lý.
Đầu năm 545, nhà Lương sai Dương Phiêu và Trần Bá Tiên đem 8 vạn quân sang xâm lược nước Vạn Xuân. Chính quyền độc lập lúc này còn non trẻ, lực lượng quốc phòng chưa được phát triển và củng cố. Lý Nam Đế qua kinh nghiệm hai lần đánh thắng giặc xâm lược, vẫn chủ trương chỉ dựa vào quân chủ lực với các thành lũy cố định, đánh dàn trận đối diện nhau nên không địch nổi quân địch đông và mạnh. Quân Việt bị thua rút về cửa sông Tô Lịch (Hà Nội). Quân Lương do Trần Bá Tiên chỉ huy tiến đánh chiếm được thành Tô Lịch.
Tháng 10/546, Lý Nam Đế kéo quân ra vùng hồ Điển Triệt (đầm Vạc, Vĩnh Yên). Một đêm nước sông lên to, chảy mạnh vào hồ, Trần Bá Tiên thừa cơ tiến đánh bất ngờ. Quân Vạn Xuân không kịp phòng bị nên tan vỡ. Các cánh quân khác cũng không chống được giặc phải rút vào hoạt ở vùng núi quận Cửu Chân. Cuộc kháng chiến của Lý Nam Đế thất bại. Ông giao binh quyền cho Triệu Quang Phục rồi bị ốm chết.
Năm 550, nhân bên nhà Lương có biến loạn, quân Lương phải rút đại quân về nước, Triệu Việt Vương tổ chức phản công lớn, quét sạch quân giặc, giải phóng hoàn toàn đất nước. Nước Vạn Xuân giữ được độc lập trên nửa thế kỷ nữa.
6. Cuộc xâm lược của nhà Nam Hán
Từ năm 906, Khúc Thừa Dụ đã giành quyền tự trị khỏi tay người Trung Hoa. Truyền được 3 đời.
Năm 938, vua Trung Hoa Nam Hán sai thái tử là Hoằng Tháo kéo quân xâm lấn. Với trận cọc gỗ bọc sắt trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền, đã đại thắng quân Hán, giết chết thái tử Hoằng Tháo. Hoàng đế Nam Hán là Lưu Cung cũng kéo quân tiếp ứng theo đường bộ. Nghe tin, ông khóc và rút về.
7. Cuộc xâm lược của nhà Tống (lần 1)
Năm 981, vua Tống sai tướng Hầu nhân Bảo kéo quân xâm lấn, theo hai đường bộ và thủy. Vì vua nước ta là Đinh Tuệ mới 8 tuổi, nên quân sĩ tôn tướng Lê Hoàn lên ngôi, tức là Lê Đại Hành. Với một trận Chi Lăng, quân ta phá tan đoàn quân Tàu, giết Hầu nhân Bảo. Đoàn quân giặc theo đường biển vội vàng rút lui.
8. Cuộc xâm lược của nhà Tống (lần 2)
Năm 1072, vua Lý nhân Tôn lên ngôi. Vì vua mới 7 tuổi, nên việc quân đều ở trong tay danh tướng Lý Thường Kiệt.
Năm 1075, Lý thường Kiệt và Tôn Đản kéo 10 vạn quân tái chiếm vùng châu Khâm, châu Liêm và châu Ung, [vốn thuộc vùng đất Việt Lạc], nay thuộc Quảng Đông, Quảng Tây.
Năm 1076, vua Tống sai Quách Quì và Triệu Tiết kéo hơn 30 vạn quân sang xâm lấn Nước ta. Nhưng chúng bị đánh tan ở sông Như Nguyệt. Giặc Tàu kéo tới hơn 30 vạn, chỉ còn 2 vạn 8 trở về !
9. Cuộc xâm lược của Mông Cổ (lần 1)
Năm 1254, quân Mông Cổ đánh chiếm nước Đại Lý, ở vùng Vân Nam. Mông Cổ đương thời là đế quốc to lớn và hùng mạnh nhất thế giới, chìếm đóng từ Á sang Âu.
Năm 1257, từ Vân Nam, tướng Ngột Lương Hợp Thai (Uriyangqatai) đem 3 vạn quân Mông Cổ và hơn 1 vạn quân Đại Lý tấn công Đại Việt, chiếm Thăng Long, đốt phá và giết mọi người trong thành. [Ngột Lương Hợp Thai là công thần thứ 3 của Nhà Nguyên, từng tham gia các trận đánh chiếm nước Kim, nước Đức, Ba Lan, Bagdad, và diệt nước Đại Lý].
Vua Trần thái Tôn lo sợ, hỏi ý kiến Trần Thủ Độ. Trần thủ Độ khẳng khái. “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin Bệ Hạ đừng lo !”.
Chỉ mấy ngày sau, vua Trần thái Tôn dẫn quân phản công, đánh thắng quân Mông Cổ trong trận Đông Bộ Đầu. Trên đường rút lui, quân Mông Cổ còn bị quân ta chận đánh tan tành ở vùng Qui Hóa.
10. Cuộc xâm lược của nhà Nguyên (lần 2)
Năm 1271 Hốt Tất Liệt (Khubilai) trở thành Đại Hãn của đế quốc Mông Cổ, đổi quốc hiệu thành Nguyên. Năm 1279, quân Nguyên chiếm trọn đất Trung Hoa. Đế quốc Mông Cổ bao trùm 40 quốc gia từ Á sang Âu.
Năm 1283, Hốt Tất Liệt sai con là Thoát Hoan (Toghan), cùng với các danh tướng Toa Đô (Suodu), Ô Mã Nhi, kéo 50 vạn quân xâm lăng Đại Việt. Quân Nguyên còn có thủy binh từ Chiêm Thành đánh lên. Khi đó, toàn thể quân Đại Việt chỉ có 20 vạn.
Trước tình hình nguy biến, nhiều người muốn hàng hoặc tìm kế hoãn binh. Nhưng các tướng Trần Quốc Tuấn và Trần Khánh Dư cương quyết xin đem quân trấn giữ.
Vua Trần Nhân Tôn liền triệu tập các bô lão trong dân tại điện Diên Hồng để hỏi ý kiến. Toàn thể đồng thanh xin Đánh !
Trước thế giặc quá mạnh, quân ta phải rút về Vạn Kiếp. Ở phía Nam, quân Nguyên từ Chiêm Thành cũng đã chiếm Nghệ An.
Vua Nhân Tôn lại lo sợ, ‘muốn hàng để cứu muôn dân’. Nhưng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đáp. “Bệ Hạ nói câu ấy thật là lời nhân đức. Nhưng Quê hương Dân tộc thì sao ? Nếu Bệ Hạ muốn hàng, xin chém đầu tôi trước đã !”
Thoát Hoan dùng đại bác bắn phá, và vào được Thăng Long. Triều đình ta chạy về Thanh Hóa.
Khi đó tướng Trần Bình Trọng bị bắt. Thoát Hoan dụ hàng và hỏi. “Có muốn làm Vương không ?” Trần Bình Trọng quát to. “Ta thà làm quỷ Nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc !”
Tháng 5 năm 1285, tướng Trần Nhật Duật phá được quân Toa Đô ở cửa Hàm Tử.
Sau đó, tướng Trần Quang Khải đưa quân đi thuyền từ Thanh Hóa ra đánh tan quân Nguyên ở bến Chương Dương, rồi dùng phục binh chiếm lại Thăng Long.
Hưng Đạo Vương thì đem quân đánh ở Tây Kết, và giết được Toa Đô. Quân ta bắt được 3 vạn quân Nguyên và vô số chiến thuyền, khí giới.
Hưng Đạo Vương lại sai phục kích chận mọi đường quân Nguyên có thể rút lui, và tự mình dẫn đại quân lên Bắc Giang đánh Thoát Hoan. Quân Nguyên thua chạy, tới bến Vạn Kiếp bị phục kích, chết quá nửa. Thoát Hoan trốn thoát về Tàu.
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, in năm 1697, quân Nguyên kéo qua 50 vạn và sáu tháng sau, chỉ còn 5 vạn rút về.
11. Cuộc xâm lược của nhà Nguyên (lần 3)
Cuối tháng 12 năm 1287, Thoát Hoan lại theo hai đường thủy bộ, kéo thêm 50 vạn quân xâm lấn, với hơn 800 chiến thuyền, cùng với đoàn tàu 100 chiếc chở lương thực. [Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư]. Phía Đại Việt có khoảng từ 20 tới 30 vạn quân.
Quân Nguyên chiếm được Thăng Long, nhưng sợ bị cắt đường liên lạc, nên tập trung ở Vạn Kiếp.Bộ chỉ huy của Đại Việt rút về vùng Đồ Sơn, Hải Phòng.
Tướng Trần Khánh Dư đưa quân phục ở bến Vân Đồn và phá tan đoàn thuyền lương.
Tháng 3 năm 1288, cạn lương, Thoát Hoan sai Ô mã Nhi mở đường theo sông Bạch Đằng. Hưng Đạo Vương lại dùng kế đóng cọc bịt sắt xuống sông Bạch Đằng (như Ngô Quyền năm 938).
Với trận Bạch Đằng, quân ta tiêu diệt hoàn toàn thủy quân của giặc Nguyên. Nghe tin thủy quân tan vỡ, Thoát Hoan kéo chạy về qua vùng Bắc Giang và Lạng Sơn, và cũng bị quân Đại Việt chận đánh tan tành.
12. Cuộc xâm lược của nhà Minh
Năm 1406, giặc Minh kéo quân xâm lấn nước ta. Nhà Hồ thua. Giặc Minh, với Trương Phụ, bắt đầu chính sách đồng hóa dân ta với dân Tàu...
Năm 1418, nông dân Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, Thanh Hóa, tự xưng là Bình Định Vương, gởi hịch kể tội giặc Minh và nêu rõ mục đích đánh đuổi quân giặc cướp nước.
Năm 1426, sau 8 năm gian khổ, với nhiều lần nguy cấp, Bình Định Vương thắng trận Tụy Động, và bao vây thành Đông Quan, Thăng Long.
Cuối năm 1427, giặc Minh lại đưa thêm 2 đạo quân sang đánh Đại Việt. Đạo quân do Liễu Thăng cầm đầu với hơn 10 vạn lính, 2 vạn ngựa. Đạo quân do Mộc Thạnh dẫn 5 vạn lính và 1 vạn ngựa. Nhưng tại Chi Lăng, quân ta giết Liễu Thăng, phá tan toàn bộ quân tiếp viện của giặc, bắt sống hơn 3 vạn quân Tàu. Mộc Thạnh nghe tin, bỏ chạy. Quân Nam theo đánh, giết hơn 1 vạn giặc Minh.
Nghe tin, Vương Thông đang chiếm đóng Đông Quan [Thăng Long], viết thư cầu hòa, và xin cho chúng rút quân về Tàu. Số tù binh, hàng binh và vợ con được thả về Tàu lên hơn 10 vạn người.
13. Cuộc xâm lược của nhà Thanh
Năm 1788, Tôn Sĩ Nghị kéo 20 vạn quân Nhà Thanh, chia làm 3 đạo, tiến đánh Đại Việt, chiếm đóng Thăng Long.
Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đang ở Huế, được tin, tính chuyện tiến đánh. Quan quân xin Ngài lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung.
Hoàng đế Quang Trung kéo quân ra tới Nghệ An, nghỉ 10 ngày để mộ thêm lính. Tất cả được 10 vạn quân và 100 con voi.
Hoàng đế Quang Trung cho ăn Tết sớm, đêm 30 sẽ kéo quân đi, và hẹn ngày mùng 7 Tết sẽ ăn Tết lại tại Thăng Long.
Trận đánh thần tốc đã phá hết các đồn giặc, đến nỗi chúng không kịp báo tin cho nhau. Chỉ trong mấy ngày, quân ta đánh chiếm từ Giản Thuỷ, tới Phú Xuyên, Hà Hồi, Ngọc Hồi... Sáng mùng 5 Tết, quân ta vào Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị không kịp mặc giáp, lên ngựa tháo chạy. Giặc Tàu chạy theo, chết đuối chật sông Hồng. Các đạo quân giặc ở phía Bắc cũng tất tả rút chạy. Tất cả đều chỉ trong 5 ngày.
14. Cuộc xâm lược Việt Nam năm 1979
Chiến tranh biên giới 1979, hay thường được gọi là Chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979 là một cuộc chiến ngắn nhưng khốc liệt giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nổ ra vào ngày 17/2/1979 khi Trung Quốc đưa quân xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới giữa 2 nước.
Chiến tranh biên giới Việt - Trung bắt nguồn từ quan hệ căng thẳng kéo dài giữa hai quốc gia, kéo dài trong chừng một tháng với thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho cả hai phía. Cuộc chiến kết thúc khi Trung Quốc tuyên bố hoàn thành rút quân vào ngày 16/3/1979, sau khi chiếm được các thị xã Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, và một số thị trấn vùng biên. Mục tiêu của Trung Quốc buộc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia không thành, nhưng cuộc chiến để lại hậu quả lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam và quan hệ căng thẳng giữa hai nước. Xung đột vũ trang tại biên giới còn tiếp diễn thêm 10 năm. Hơn 13 năm sau, quan hệ ngoại giao Việt-Trung chính thức được bình thường hóa.
S.T


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trang phục Triều Trần (1225 - 1400)

Trang phục Hoàng đế Nhà Trần tiếp nối nhà Lý một cách hòa bình nên các di sản và giá trị thời Lý vẫn được học theo cũng như vẫn có sự học hỏi từ nhà Tống bên Trung Quốc. 1) Lễ phục Hoàng đế Lễ phục thời Trần của hoàng đế vẫn là Cổn Miện. Quy chế về căn bản vẫn như thời Lý. Lê Tắc trong "An Nam chí lược" cho biết vua Trần có 4 loại mũ là : Mũ Miện, Mũ Thông Thiên, Mũ Phù Dung và Mũ Phốc Đầu. 2) Triều phục Hoàng đế Theo ghi nhận của Lê Tắc trong "An Nam chí lược" thì vua Trần có bộ triều phục Quyển Vân, đội Mũ Quyển Vân (Quyển Vân Quan - 卷雲冠 ). Tên gọi thực tế của Mũ Quyển Vân là Mũ Thông Thiên ( Thông Thiên Quan - 通天冠 )   nhưng do dáng mũ uốn cong như mây cuốn nên tục gọi là Quyển Vân. Ngô Tự Mục thời Tống cho biết : " Mũ Thông Thiên của vua Tống đều dùng hạt Bắc châu uốn kết lại, còn gọi là Mũ Quyển Vân". Mạnh Nguyên Lão thời Tống cũng mô tả: " Hoàng đế đội mũ Thông Thiên, còn gọi là Mũ Quyển Vân, mặc áo bào đỏ, cầm ngọc khuê". ...

HÌNH ẢNH ÁO CỔN TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM

Hình ảnh áo Cổn đã được ghi chép trong hai bộ sử là Đại Việt Sử kí Toàn thư (thế kỉ XV) và Việt Sử lược ( được xác định là ra đời dưới thời  nhà Trần ) . Cả hai bộ sử đều thống nhất rằng áo Cổn đã xuất hiện từ thời nhà Đinh - Tiền Lê thông qua các chi tiết sau: Đại Việt Sử kí Toàn thư của Ngô Sĩ Liên có đoạn “ Thái hậu (tức Thái hậu Dương Vân Nga - Hoàng hậu của vua Đinh Tiên Hoàng) thấy mọi người đều vui lòng quy phục, bèn sai lấy áo (Long) Cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi Hoàng đế. Từ đó Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Thiên Phúc năm đầu [980], giáng phong vua làm Vệ Vương. ” Việt Sử lược cũng có cùng chi tiết “Thái hậu thấy lòng người theo phục, sai người lấy áo (Long) Cổn khoác lên mình vua, xin lên ngôi. Năm Canh Thìn (980), vua lên ngôi …” Như vậy, khi xem xét kĩ càng các chi tiết được đưa ra ta thấy cả hai bộ sử đều ghi nhận sự kiện Thái hậu Dương Vân Nga đã lấy áo (Long) Cổn của nhà Đinh khoác lên người Thập Đạo Tướng quân Lê Hoàn vào năm 980,...

Thiên Ninh công chúa

Thiên Ninh công chúa tên thật là Ngọc Tha hoặc Bạch Tha, con gái trưởng của vua Trần Minh Tông và Lệ Thánh hoàng hậu, bà đồng thời là chị ruột của vua Trần Dụ Tông.  Thiên Ninh công chúa là một trong những người phụ nữ có vai trò quan trọng nhất góp phần bảo vệ quyền lực của nhà Trần cũng như nước Đại Việt trong cảnh nội loạn và ngoại xâm.  Khác với những người phụ nữ họ Trần khác như Linh Từ Quốc Mẫu, An Tư công chúa, Huyền Trân công chúa .v.v. những người có tính ôn nhu hơn  và thực hiện nghĩa vụ theo sự sắp đăt của triều đình. Thì riêng bà là người chủ động, mạnh mẽ và quyết đoán hơn cả. Không dừng ở sự hỗ trợ, bà còn là người trực tiếp mưu tính cũng như tham gia chính sự nhằm cứu vãn cơ nghiệp nhà Trần. Đây là một người phụ nữ cá tính khác thường, một người đặt ra ngoài những ràng buộc lễ nghĩa thông thường vì những mục đích lớn hơn. Như việc bà thông dâm với chính em trai của mình là vua Trần Dụ Tông theo bài thuốc chữa bệnh liệt dương cho vua, khiến cho các n...