Sự phát triển của vũ khí có thể chia làm hai thời kỳ: thời
kỳ vũ khí sử dụng năng lượng cơ bắp của con người và thời kỳ vũ khí sử dụng
năng lượng thuốc nổ (thuốc súng).
Vũ khí sử
dụng thuốc nổ phát triển từ khoảng thế kỷ XIII đến thế kỷ XIX đã khá hoàn
thiện. Như vậy có giai đoạn hai loại vũ khí này cùng tồn tại và phát triển. Tuy
ra đời rất sớm và có quá trình phát triển lâu dài hàng ngàn năm nhưng loại vũ
khí sử dụng sức lực con người hầu như ít có sự tiến bộ về cấu tạo nên hiệu quả
không cao, dần dần bị sự phát triển của loại vũ khí sử dụng thuốc nổ thay thế.
Thuật ngữ gọi hai loại vũ khí này là Bạch khí và Hỏa khí.
Nước ta trong suốt các triều đại Lý – Trần – Lê không khi
nào quên việc sửa sang võ bị để tăng cường khả năng chống giặc ngoại xâm. Ngay
trong thời bình nhiều nhà vua đã xuống chiếu nhắc nhở tướng sĩ không được lơ là
phòng thủ quốc gia, phải chăm lo rèn binh luyện tướng, đóng chiến thuyền và rèn
vũ khí. Binh thư yếu lược viết “ Cái đạo mạnh binh để chiến thắng có 5 điều:
Sửa sang binh khí; Có đủ quân lính và xe cộ; Súc tích nhiều; Rèn luyện sĩ tốt;
Kén được tướng giỏi”.
Như vậy, “sửa sang binh khí” là điều quan trọng đầu tiên.
Trong lịch sử nước ta, trang bị bạch khí cho quân đội phát
triển nhất vào thời Lê, thế kỷ XV – XVI. Đến thế kỷ XVIII loại bạch khí phổ
biến nhiều loại thông dụng. Theo Hội Điển của triều Nguyễn thì đến giữa thế kỷ
XIX phần lớn binh lính của triều đình ra trận còn trang bị bằng bạch khí. Quân
đội Tây Sơn tuy đã có pháo và một số loại hỏa khí nhưng về cơ bản vẫn trang bị
bạch khí là chính.
Vũ khí cổ
Việt Nam có thể chia thành các loại theo chức năng vận hành và hình dáng, gồm
có:
- Bạch khí:
vũ khí đánh gần, vũ khí đánh xa, vũ khí phòng ngự.
- Hỏa khí:
súng lệnh, súng thần công, đạn đá, đạn gang.
* Bạch khí.
Vũ khí đánh
gần: gồm có giáo, trường, câu liêm, kiếm, đinh ba…
- Về giáo:
có giáo có chuôi hoặc họng tra cán, mũi giáo hình búp đa, hình ngòi bút, hình
lá lúa, giáo có ngạnh ở thân. Giáo có thể tra cán ngắn hay dài đến hơn 2m (giáo
trường) nên họng tra cán hay chuôi lắp cán đặc biệt cần vững chắc. Kích thước
chung của các loại giáo: dài toàn thân từ 29 – 44cm, rộng lưỡi từ 3 - 4,4cm,
nặng từ 250 – 540gr. Riêng giáo có ngạnh ở thân dài từ 23 – 40cm, nặng 100 –
320gr, thân giáo có tiết diện vuông thon dần về mũi, ngạnh vuông ở gần mũi
nhọn. Ngạnh vuông nhọn dài khoảng 1,5 - 2cm. Chuôi giáo có lỗ chốt đinh để gắn
vào cán.
- Mũi
trường: là loại giáo có cán rất dài có thể đến 4m, tác dụng dùng để đâm với lực
rất mạnh. Mũi trường có tiết diện hình vuông chia thành hai phần rõ rệt là mũi
và chuôi tra cán. Kích thước chung: dài từ 40 – 64cm, tiết diện mũi 1,4 x
1,4cm, nặng từ 300 – 520gr.
- Câu liêm:
là loại vũ khí khá phổ biến vì có khả năng vừa bổ, đâm, móc kẻ thù. Kích thước
thường lớn và được rèn chế khá cầu kỳ. Cấu tạo câu liêm cũng gồm 2 phần là mũi
và chuôi tra cán. Mũi thẳng theo trục dọc của chuôi tra cán (phần giáo), sát
đầu cán vòng ra một lưỡi hình trăng khuyết, đầu phẳng, sắc (phần câu). Phần
cuối đốc câu tạo thành chuôi tra cán. Kích thước chung: dài 52 – 66cm, nặng từ
580 – 1000gr.
- Kiếm: còn
được coi là vũ khí tùy thân vì thường được đeo bên mình các tướng lĩnh. Gồm
đoản kiếm và trường kiếm. Lưỡi kiếm dài từ 40 – 61cm, nặng từ 500 – 1300gr.
Đoản kiếm lưỡi khá rộng còn trường kiếm lưỡi hẹp hơn.
Vũ khí đánh
xa. Gồm có lao. Móc câu, mũi tên. Đây là loại vũ khí có khả năng sát thương đối
phương trong một khoảng cách xa, sức đẩy vũ khí đi xa do sức của con người, và
sức đẩy cơ học.
- Lao: Phần
đầu của lao giống mũi tên có cánh lớn , có 2,3 ngạnh, họng tra cán dài, kích
thước trung bình 20 – 26cm, nặng khoảng 100 – 120gr.
- Móc câu
chùm: hình dáng giống chiếc mỏ neo nhưng có 3 móc câu uốn cong lên, dùng để
quăng, móc. Tiết diện thân hình chữ nhật, móc cong tiết diện hình tròn.
- Mũi tên:
dùng với cung, nỏ, loại vũ khí đánh xa truyền thống của dân tộc ta. Dài từ 5 –
13cm, thân mũi tên dài từ 4 – 8cm.
Vũ khí phòng
ngự. Mũi chông củ ấu, chông 3 cạnh…
Ngoài ra còn
có các loại vũ khí làm từ tre nứa như cung tên, nỏ, bẫy… hay những địa hình bất
lợi tự nhiên, thậm chí nhiều loại động vật có nọc độc như ong vò vẽ cũng được
sử dụng phổ biến trong thế trận chiến tranh du kích.
* Hỏa khí.
Gồm có súng lệnh và súng thần công. Sử cũ còn ghi ngay từ thời Trần đã có pháo
đặt trên thuyền tấn công vào chiến thuyền của quân đội Champa. Hồ Quý Ly đã ra
lệnh cho con trai là Hồ Nguyên Trừng nghiên cứu sáng chế súng thần công “thần
cơ sang pháo” để chống quân xâm lược Minh. Sau này khi Hồ Nguyên Trừng bị bắt
sang Trung quốc, nhà Minh đã bắt ông chế tạo loại vũ khí này. Súng ông chế ra
có 3 loại: loại lớn đặt trên lưng voi, loại vừa hai người khiêng và loại nhỏ 1
người vác trên vai. Ông được coi là ông tổ của súng thần công.
Từ thế kỷ
XIII - XIX ở Việt Nam đã có nhiều loại hỏa khí với nhiều tên gọi khác nhau.
Trong đó phổ biến nhất là súng lệnh, súng thần công và một số khẩu đại pháo đúc
vào thời Nguyễn.
- Súng lệnh:
dùng để bắn phát lệnh. Thân súng chia làm 3 phần rõ rệt: nòng súng, bầu nạp
thuốc súng phình to ở gần đuôi và phần đuôi súng. Mỗi phần đều có đai rộng ngăn
cách. Trên thân bầu có 2 chi tiết: Hai trụ nổi như đường rãnh ngắm của súng,
nằm giữa hai đường là một gờ nổi, có lỗ nhỏ để tra dây cháy chậm mồi nổ cho
thuốc súng chứa trong bầu. Bên trong phần bầu đúc hình răng cưa cho thành của
bầu nòng vững chắc không bị phá vỡ khi thuốc súng nổ. Trên thân súng còn hay
khắc chữ số ký hiệu súng, như “Công tự tam bách thập phân thất hiệu”, nghĩa là
“hiệu chữ công số 317”…
Kích thước của súng lệnh không lớn, dài khoảng 30 - 40cm,
đường kính miệng khoảng 2,5 – 3cm, đường kính nòng khoảng 1,5cm, nặng khoảng
2,2 – 3,5kg. Thường được đúc nguyên khối. Súng lệnh thời Nguyễn còn có các chữ
trên thân súng như “Lôi uy tả sở nhị bách lục thập hiệu”, “Báo Vĩnh Hưng”…
Nhiều khẩu súng lệnh làm đơn giản, không có ký hiệu, dài ngắn khác nhau từ 30 –
40cm.
- Súng thần
công. Thường có tên gọi như Đại Tướng quân, Thượng Tướng quân, Thần Cơ
doanh…phổ biến hơn vào thời Nguyễn. Phần lớn súng thần công dài từ 40cm trở lên
đến khoảng hơn 100cm. Đường kính ngoài của nòng súng từ 14 – 16cm, đường kính
trong từ 3 – 8 cm, đường kính thân nơi lớn nhất từ 13 – 22cm, là phần chứa
thuốc súng. Súng có cấu tạo gồm nòng súng lớn dần đến phần đuôi, quanh vành
miệng nòng có đai dày, ngoài ra trên thân còn một vài đai khác nhằm giữ cho
súng không bị vỡ khi đạn nổ. Lỗ tra ngòi ở vào khoảng 1/3 thân từ đuôi súng,
giáp đó có tay xách hình vòng cung nhô cao (súng nhỏ có 1 tay xách ở giữa, còn
súng lớn có hai cái đối xứng nhau. Súng thường không có tai chống giật mà có
một rãnh cắt ngang đuôi súng, khớp với một bộ phận ở bệ súng giữ cho nòng không
giật khi bắn. Đuôi súng là khối tròn. Trên súng thần công hay ghi tên súng,
kích thước, cân nặng.
- Đạn súng
lệnh, súng thần công: thường bằng đá hay đúc bằng gang, sắt. Hình cầu. Đạn đá
đường kính từ 2,5 – 5,5cm, nặng từ 50 – 200gr, có viên lớn hơn. đạn sắt, gang
kích thước lớn thường hơn, trung bình trên 10cm, là loại đạn của các khẩu thần
công lớn. Ngoài ra thời Nguyễn còn có loại đạn bướm “hồ điệp…” có cấu tạo hai
nửa cầu nồi kiền với nhau bởi 1 sợi dây xích dài khoảng 25 – 30cm. Khi bắn đạn
bay ra giống đàn bướm bay, tính sát thương cao hơn nhiều.
* “Cửu vị
thần công” thời Nguyễn. Theo sử sách, trước ngày Kinh đô Huế thất thủ
(5.7.1885) tại Huế có 850 khẩu súng thần công. Nhưng sau sự kiện ấy, Pháp đã ra
lệnh phá hủy và thu hồi kim loại. Đến nay Huế chỉ còn lưu giữ khoảng 60 khẩu
thần công, đây là những cổ vật quý hiếm được đúc dưới thời Gia Long và Minh
Mạng.
Trong số này có “Cửu vị Thần công” - 9 khẩu đại bác vĩ đại
bằng đồng được đúc vào đầu triều Nguyễn (1804) do những người thợ Phường Đúc
Huế chế tác. Ngay sau khi hoàn thành chúng được đặt phía trước Hoàng Thành,
phía trong hai cửa Thể Nhơn và Quảng Đức. Cửu vị thần công được chia làm hai
nhóm: nhóm bên tả phía cửa Thể Nhơn có 4 khẩu đặt tên theo 4 mùa Xuân – Hạ –
Thu – Đông; nhóm bên hữu phía cửa Quảng Đức có 5 khẩu đặt tên theo ngũ hành:
Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ.
Cả 9 khẩu đều được phong là “Thần oai vô địch thượng tướng
quân” (được khắc bằng chữ Hán trên thân súng) dù cho đến hết thời Nguyễn chúng
chưa tham gia trận mạc bao giờ!
Hình thức và
cấu tạo: Đầu miệng súng hơi loe, phần đuôi phình ra được đúc kín gọi là khối
hậu (chỗ chứa thuốc súng). Trên thân súng có 6 gờ nổi, trang trí 8 dải hoa văn
chạy quanh thân. Giữa súng có gắn hai quai khắc hình hai con lân uốn cong hình
dấu ngã. Cách quai 14cm có gờ nổi, trên gờ này khắc chữ Hán cẩn bạc, nội dung
ghi công trạng toàn ban đốc công chế tạo súng. Ngoài ra trên thân mỗi súng khắc
một bài minh nêu rõ lý do đúc súng vào năm Gia Long thứ 3 (1804).
Quy mô Cửu
vị thần công: 9 khẩu đại bác đều dài 5,10m, chu vi vòng thân nơi lớn nhất đến
2,16m, đường kính nòng rộng 0,51m (khẩu kính 230mm), trọng lượng khẩu nhỏ nhất
là 17.100 cân, lớn nhất là 18.400 cân.
Súng được
trang trí các dải hoa văn tinh xảo ở phần thân, quai. Cả 9 khẩu đều đặt trên hệ
thống giá đỡ bằng gỗ lim có bánh xe (thường gọi là bệ súng). Giá súng dài
2,75m, cao 0,73m, bánh xe bằng gỗ có viền sắt đường kính 0,62m, dày 0,22m. Mặt
ngoài giá súng chạm khắc hình rồng, đầu rồng chạm nổi mắt lồi trông dữ tợn, nét
chạm không cầu kỳ nhưng tinh tế. Riêng các trục quay có hình trụ dài 0,18m,
đường kính 0,22m. mặt ngoài có ghi: bên phải là trọng lượng của súng, bên trái
ghi cách nạp thuốc và sử dụng súng. Việc bắn súng rất phức tạp nên mỗi khẩu
thần công phải có một khẩu đội 5 người phục vụ dưới quyền chỉ huy của một khẩu
đội trưởng, đạn phải nạp qua miệng pháo, mất nhiều thời giờ mà tính sát thương
không cao, chỉ có tác dụng phá vở công sự kiên cố và thành lũy.
Bên cạnh Cửu
vị Thần công, ở Huế còn có 2 khẩu thần công đúc vào thời Minh Mạng (1834). Đây
là hai khẩu đại pháo có khẩo kính 310mm, được đặt trên bệ xi măng. Súng dài
1,06m, thân súng có3 gờ chia làm 4 khoang không đều nhau, không có hoa văn.
Trên gờ cuối cùng có lỗ điểm hỏa ghi hàng chữ Hán Ngự chế thần uy phá địch Đại
tướng quân đệ nhất vị và cuối núm gờ nổi khắc hàng chữ Minh Mạng thập ngũ chú
niên. So với Cửu vị Thần công hai khẩu đại pháo thời Minh Mạng không có chỉ dẫn
cách bắn, cách dùng đạn cũng như ghi kích thước trọng lượng súng. Bên cạnh súng
còn đặt một viên đạn tròn bằng đá đường kính 290mm.
Để đúc những
khẩu Thần công lớn và nặng hàng ngàn cân cần có một hiệp thợ đúc có kỹ thuật
hoàn thiện ở tất cả các khâu và sự phối hợp đồng bộ. Kỹ thuật đúc súng Thần
công thời Nguyễn còn nổi tiếng về trình độ cao trong việc pha chế kim loại,
trang trí hoa văn chữ khắc rõ ràng, sắc sảo, mang tính biểu tượng mạnh mẽ.
Vũ khí cổ
Việt nam cho biết trang bị vũ khí cho quân đội thời phong kiến, loại bạch khí
chiếm tỷ lệ áp đảo so với hỏa khí, vũ khí đánh gần là chính, bộ binh là quân
chủ lực mang tính chất quyết định trên chiến trường. Các loại vũ khí bằng sắt
chiếm số lượng lớn được chế tạo bằng phương pháp rèn đập thô sơ nhưng tỏ ra có
hiệu quả “lấy đoản binh chế trường trận”.
Những loại vũ khí này còn phản ánh một cách sinh động nghệ
thuật quân sự Việt Nam là Chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích, lấy nhỏ
đánh lớn, lấy ít địch nhiều. Từ thời Lê Trung hưng và nhất là thời Nguyễn, hỏa
khí loại lớn như súng thần công bắt đầu có mặt và ngày càng phổ biến. Tuy nhiên
chức năng của chúng thường để báo hiệu lệnh hay để “phô trương”, thị uy chứ
không hoặc ít sử dụng trong thực tế.
S.T
Nhận xét
Đăng nhận xét