Nước Đại Nam đối diện
với Pháp và Trung Hoa 1847 - 1885 (L’Empire Vietnamien face a la France et a la
Chine) là cuốn sách được xuất bản tại Paris năm 1987 do nhà xuất bản L'Harmattan ấn hành.
Tác giả của cuốn sách
là Yoshiharu Stuboi sinh
năm 1948, nguyên là giảng viên khoa Luật tại Đại học Tokyo. Ông bắt đầu nghiên
cứu về Việt Nam từ năm 1973. Cuốn
sách này được trích từ luận án Tiến sĩ đệ tam cấp, bảo vệ
năm 1982 tại Đại học Paris của ông. Hiện Y. Stuboi là giáo sư lịch sử chính trị
và xã hội Đông Nam Á, Đại học Waseda Tokyo.
Cuốn sách Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung
Hoa 1847 - 1885 đã tập trung khắc hoạ bức tranh chính trị và xã
hội của nước Đại Nam từ năm 1847 đến năm 1885 - một giai đoạn đầy biến động của
lịch sử dân tộc ở nửa cuối thế kỷ XIX. Các sự kiện và nhân vật lịch sử của giai
đoạn này đã được tác giả Yoshiharu Stuboi khắc hoạ rõ nét qua 9 chương với hơn 330
trang sách. Với cuốn sách này, độc giả sẽ có cái nhìn toàn diện về triều Nguyễn
dưới thời vua Tự Đức thông qua các chủ đề mà mỗi chương đã đề cập tới. Đặc biệt,
phần kết luận của cuốn sách đã đưa ra nguyên nhân mất nước của triều Nguyễn cụ
thể có mấy nguyên nhân sau: mất lòng dân, yếu kém về kinh tế, gánh nặng của di
sản và những khó khăn về chính trị.
Về bố cục, cuốn sách được chia thành
9 chương:
Chương I: Nước Việt
Nam trước năm 1847: Mấy đặc thù
Chương II: Những người
Pháp đến Việt Nam: Từ giáo sĩ Alexandre De Rhodes tới Paul Philastre
Chương III: Trung Hoa
và Người Hoa vào thời kỳ độc lập dưới triều Nguyễn
Chương IV: Tự Đức: Một
quyền thừa kế chính thống bị tranh cãi
Chương V: Các nhân vật
chủ yếu của chính quyền Tự Đức
Chương VI: Nhóm trung
thành và nhóm đối kháng
Chương VII: Thay đổi
nhân sự và điều chỉnh chính trị
Chương VIII: Tầng lớp
văn thân lánh xa Tự Đức
Chương IX: Từ cuộc
tranh chấp Pháp - Việt tới tới cuộc chiến Pháp - Hoa
Sau đây là nội dung cụ
thể của từng chương:
Chương I
với chủ đề Nước Việt Nam trước năm 1847 đã khái quát tình hình chính trị, ngoại
giao, kinh tế, xã hội của Việt Nam (tức Đại Nam) trước năm 1847 qua các nội
dung sau: mấy đặc thù đã tập trung xoay quanh các vấn đề về cuộc
Nam tiến, độc lập với Trung Hoa, những điều kiện kinh tế và xã hội, các mối
quan hệ quốc tế, vấn đề chính thống và vấn đề người Công giáo.
Chương II
với chủ đề Những người Pháp đến Việt Nam đã đề cập đến những vấn đề xoay quay
những người Pháp đặt chân đến Việt Nam, họ là những giáo sĩ, thương nhân, sĩ
quan và cả những nhà ngoại giao nữa: từ giáo sĩ Alexandre De Rhodes tới Paul
Philastre đã đề cập về các giáo sĩ thừa sai, các thương nhân, các sĩ quan hải
quân và các nhà ngoại giao.
Chương III với chủ đề Trung Hoa và người Hoa vào thời kỳ độc lập dưới
triều Nguyễn đã khái quát các quan hệ giữa hai nhà nước, các
quan hệ thương mại: thương nhân và mại bản người Hoa và người Hoa ngoài vòng
pháp luật.
Chương IV
với chủ đề Tự Đức đã đề cập đến các sự kiện xoay quanh việc lên ngôi của nhà
vua (vua Tự Đức): Một quyền thừa kế chính thống bị tranh cãi đã làm rõ về vấn
đề kế vị, chính biến cung đình, lễ phong vương của Bắc Kinh và Hồng Bảo: âm
mưu, thất bại và hậu quả.
Chương V
với chủ đề Các nhân vật chủ yếu của chính quyền Tự Đức đã đề cập tới các nhân vật
lịch sử quan trong của giai đoạn 1847 - 1883 như Tự Đức (1829 - 1883) - Hoàng đế
từ 1847 đến 1883, Trương Đăng Quế (1794 - 1865), Phan Thanh Giản (1796 - 1867)
và Nguyễn Tri Phương (1800 - 1873).
Chương VI
với chủ đề Nhóm trung thành và nhóm đối kháng đã làm rõ về các vấn đề trong nội
bộ triều Nguyễn lúc bấy giờ như: quan chức và tầng lớp
văn thân, nhóm chống đối, các sự liên đới giữa những tranh chấp quốc nội và đe
doạ quốc ngoại.
Chương VII với
chủ đề Thay đổi nhân sự và điều chỉnh chính trị biểu hiện ở: mấy
nhân vật quốc gia mới, các dự án cải cách và hiện đại hoá và mở cửa khẩu cho
thương nghiệp ngoại quốc.
Chương VIII với
chủ đề Tầng lớp văn thân lánh xa Tự Đức đã đề cập đến việc
đàn áp cuộc nổi dậy của các sĩ phu, cải cách thuế điền thổ và việc cải cách tổ
chức quân đội.
Chương IX với chủ đề Từ cuộc
tranh chấp Pháp - Việt tới tới cuộc chiến Pháp - Hoa đề cập tới các nội dung cụ
thể sau: vấn đề quyền tông chủ, vấn đề các hầm mỏ, đường lối chính trị của Tự Đức
và việc tới Hà Nội của Rivière, Tự Đức băng hà và các cuộc biến loạn trong cung
đình, tiến tới cuộc nổi dậy của quân Cần vương.
Ngoài 9 chương nêu
trên, cuốn sách còn có các phần như: Lời giới thiệu,
lời người dịch, những chữ viết tắt, tựa, lời cảm ơn, dẫn
nhập, kết luận, phụ lục, phiên âm, dịch Nôm, thư mục và lời bạt.
Trong
lời giới thiệu về cuốn sách Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847 - 1885 của
tác giả Yoshiharu Stuboi , Giáo sư Trần Văn Giàu đã thể hiện
sự thích thú của mình về cái gọi là “chi
tiết” trong cuốn sách và ông viết “[…], và những chi tiết ấy nói lên được hay
chứng minh thêm những cái gì lớn và chung. Tsuboi đã vẽ nên dung mạo của những
con người cụ thể, những diễn viên chính và phụ của tấn bi kịch 40 năm thời Tự Đức:
từ vị thừa sai này, tên cướp núi cướp biển nọ, hoàng đế, tể tướng, lái buôn đến
các sĩ phu và văn thân. Cách viết sử đó sống động, ít nhất là sống động hơn
cách viết
sử của tôi về thời kỳ này. ”[1]
Đặc biệt,
khi đánh giá về Phan Thanh Giản sau sự kiện ông dâng thành Vĩnh Long giao nộp
cho Pháp (năm 1867), tác giả Yoshiharu
Stuboi đã viết: “ Theo chúng tôi,
đơn giản hơn chỉ là Giản muốn tránh sự đổ máu không cần thiết cho nhân dân và
binh lính. Thái độ của ông sau khi Pháp chiếm đóng có vẻ xác nhận cách lý giải
này. Thật vậy, chúng ta biết rằng Phan tuyệt thực rồi tự tử. Nếu đã thực sự “phản quốc”, sao ông không nhận cộng tác với Pháp?
”[2]
Như vậy, ta có thể thấy Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847 - 1885 của tác giả Yoshiharu
Stuboi là một cuốn sách đáng để đọc giành cho những độc giả muốn tìm hiểu
rõ về triều Nguyễn nói chung và giai đoạn 1847 - 1885 của triều Nguyễn nói
riêng.
Người trình bày: Đỗ Xuân Giang
(lấy từ bài tiểu luận cá nhân giữa kỳ môn Lịch sử Việt Nam cận đại khoá 2016 - 2020)
[1]
Yoshiharu Stuboi
(Nguyễn Đình Đầu dịch – 2017), Nước Đại Nam đối diện với Pháp và
Trung Hoa 1847 - 1885, Nhà xuất bản Tri thức - Công ty Văn hóa và
Truyền thông Nhã Nam, Hà Nội, trang 10.
[2]
Yoshiharu Stuboi
(Nguyễn Đình Đầu dịch – 2017), Nước Đại Nam đối diện với Pháp và
Trung Hoa 1847 - 1885, Nhà xuất bản Tri thức - Công ty Văn hóa và
Truyền thông Nhã Nam, Hà Nội, trang 248.
Nhận xét
Đăng nhận xét