Chuyển đến nội dung chính

12 CHUYÊN ĐỀ CỦA CLB LỊCH SỬ NƯỚC NHÀ (PHẦN 1)

Chuyên đề 1: Bang giao với thế giới
Ngoại giao là một trong những công cụ quan trọng nhất thể hiện vị thế và quyền lực của quốc gia trong lịch sử. Lịch sử ngoại giao Việt Nam đồng hành cùng với lịch sử các nhà nước của Việt Nam từ thời kỳ quân chủ chuyên chế Lý Trần đến thời kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đến cả thời kỳ nước Việt Nam thống nhất, nối liền một dải từ sau năm 1975 đến nay.

Có thể nói lịch sử ngoại giao Việt Nam thăng trầm cùng lịch sử dân tộc. Với mỗi thời kỳ lịch sử, tùy vào điều kiện lịch sử cụ thể và năng lực của quốc gia thời kỳ đó, chính sách và đường lối ngoại giao của Việt Nam lại mang những nét đặc thù riêng.

Nếu như lịch sử ngoại giao trước thế kỉ XVI của Việt Nam chỉ chủ yếu xoay quanh những trục quan hệ truyền thống với các nước phương Bắc như Trung Hoa, Cao Ly, Nhật Bản, v.v thì từ thế kỉ XVI trở đi, đường lối và các chính sách ngoại giao của Việt Nam có phần phức tạp, chuyển biến mạnh mẽ với sự xuất hiện của những trục quan hệ quốc tế mới với các quốc gia phương Nam như Chân Lạp, Chiêm Thành, v.v và các quốc gia phương Tây như Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, v.v.

Thời kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại nổi lên nét đặc thù với những chính sách, đường lối không những trong lĩnh vực ngoại giao, mà cả trong kinh tế, văn hóa, giáo dục, v.v đều chịu ảnh hưởng chi phối sâu sắc bởi hệ ý thức lưỡng cực Yalta, cụ thể là sự phân biệt giữa đường lối đối ngoại với các nước TBCN và các nước XHCN trên thế giới. Từ sau khi thống nhất hai miền đất nước nối liền một dải, bước vào thời kỳ Đổi mới, Việt Nam dần thực hiện chính sách, đường lối ngoại giao mới phù hợp với xu thế quốc tế, thêm bạn bớt thù, “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước”, thực hiện bình thường hóa quan hệ với những nước có vấn đề căng thẳng trước đây như Mĩ, Trung Hoa, Cambodia, v.v, xây dựng thêm nhiều mối quan hệ đối tác chiến lược cũng như đối tác toàn diện với các nước khác trên thế giới.

Có thể nói đặc trưng rõ rệt nhất của đường lối ngoại giao Việt Nam hiện nay là đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế. Và đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của những hình thức mới liên quan đến ngoại giao, kế thừa truyền thống coi Ngoại giao như một mặt trận quyết định thắng lợi cuối cùng trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đường lối ngoại giao hiện nay của Việt Nam đã củng cố, hệ thống hóa và phát triển những giá trị văn hóa tinh thần trong lịch sử dân tộc để phục vụ cho một hình thức đấu tranh, trao đổi giao lưu quốc tế trong thời đại mới – đó là ngoại giao văn hóa. Vì vậy, có thể nói, ngoại giao Việt Nam mỗi thời kỳ trong lịch sử đều có những dấu ấn đặc trưng, thú vị, hấp dẫn, nhưng cũng không kém phần hóc búa, nó đòi hỏi người nghiên cứu, tìm hiểu phải có đủ kinh nghiệm, tri thức liên quan đến không chỉ lĩnh vực lịch sử ngoại giao mà cả lịch sử chính trị, lịch sử quan hệ quốc tế của nước nhà.

Chính sự đặc thù thú vị đó của ngoại giao Việt Nam đã khiến Ban Biên tập câu lạc bộ Lịch sử nước nhà quyết định chọn “Bang giao với thế giới” là chuyên đề cho các bài viết trong tháng 1 – tháng của những khởi đầu mới, những mối quan hệ mới, những thắng lợi mới trên mặt trận ngoại giao.
Chuyên đề số 2: Địa-lịch sử-văn hóa các dân tộc Việt Nam
Việt Nam là 1 quốc gia đa dân tộc, đa văn hóa. Mỗi vùng miền mang 1 sắc thái riêng về văn hóa cũng như về địa lí và khi  đi sâu vào tìm hiểu về chuyên đề này, tức là bạn đã tìm đến 1 công việc đầy thú vị nhưng cũng đầy khó khăn và thử thách. Để bắt đầu tìm hiểu về chuyên đề này, các bạn cần nắm được những đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, về địa lí. Mỗi vùng là 1 điểm độc đáo về không gian với những khác biệt về thổ nhưỡng, khí hậu nhưng đó lại là sự thống nhất trong 1 thực thể địa lý , đó là địa lý Việt Nam. Tìm hiểu về địa lý đó là cánh cửa để hiểu về lịch sử và văn hóa của các dân tộc trên đất nước Việt Nam.
Thứ 2, về lịch sử của các vùng miền. Đó là lịch sử của những cộng đồng người sinh sống trong khu vực địa lí đó. Đó là lịch sử sinh tồn và phát triển của họ qua các thế hệ.
Thứ 3, về văn hóa. Văn hóa các cộng đồng người được quy định từ lịch sử và địa lý của mỗi cộng đồng đó và chính điều đó làm nên đặc trưng cho cộng đồng người đó.
Với 3 đặc điểm trên, ở chuyên đề này các bạn sẽ tự tìm hiểu ở từng khu vực cụ thể, đó là khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ. Đây được xem là những khu vực có số lượng người thuộc các dân tộc anh em sinh sống với số lượng lớn.
Để tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của các dân tộc thì 1 trong những công cụ đó là những văn tự của các dân tộc đối với những dân tộc có chữ viết; các nghiên cứu về dân tộc học đối với những dân tộc không có chữ viết hoặc là chữ viết của dân tộc ấy đã bị mai một theo thời gian.
Chuyên đề 3: Ngàn năm Bắc thuộc
Dân tộc Việt Nam là dân tộc chịu nhiều đau thương bởi sự xâm lược và đô hộ của các nước lớn. Một trong những giai đoạn chiếm một thiên sử dày và có ảnh hưởng đến dân tộc này nhất là Ngàn năm Bắc thuộc.
Trong giai đoạn này, các triều đại phong kiến phương Bắc không ngừng truyền bá văn hóa của họ vào nước ta nhằm “đồng hóa” và biến đất Giao Châu vĩnh viễn trở thành một phần lãnh thổ Trung quốc. Nhưng không những không thể “đồng hóa” người Việt mà ngược lại các tinh hoa văn hóa tiến bộ đều được người Việt tiếp thu, kết hợp với văn hóa bản địa tạo cơ sở tiền đề cho một thời kì phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước sau đó.
Ở chuyên đề Ngàn năm Bắc thuộc, Lịch Sử Nước Nhà sẽ cũng các bạn tìm hiểu mấy vấn đề về Trang phục (quan lại, quý tộc và dân gian) thời kì Bắc thuộc và buổi đầu độc lập, tự chủ (Ngô, Đinh, Tiền Lê); Lễ nghi, phong tục thời kì Bắc thuộc và buổi đầu độc lập, tự chủ (Ngô, Đinh, Tiền Lê); Bộ máy quan lại, Khoa bảng và Danh nhân thời kì Bắc thuộc và buổi đầu độc lập, tự chủ (Ngô, Đinh, Tiền Lê). Bên cạnh đó, Lịch Sử Nước Nhà cũng quan tâm đến Sự giao thoa văn hóa thời kì Bắc thuộc và buổi đầu độc lập, tự chủ (Ngô, Đinh, Tiền Lê).
Chuyên đề 4: Lề thói nước Nam


Với vị trí địa lí nằm giữa hai cái nôi văn hóa lớn của thế giới là Trung Hoa và Ấn Độ, nền văn hóa Việt Nam là một tổng thể dung hòa các giá trị tinh hoa của nhân loại.

Thuở ban sơ, người dân nước Nam đã có những tín ngưỡng dân gian gắn với văn minh lúa nước. Thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc, Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo đại thừa dần dần du nhập và đến thời kỳ nhà nước Đại Việt độc lập, tự chủ, các tôn giáo cùng tồn tại trong xã hội Việt Nam nhau dưới chính sách “Tam giáo đồng nguyên”. Thời kỳ các nước phương Tây tìm đường đến phương Đông thì Thiên Chúa giáo manh nha xuất hiện ở nước ta. Bên cạnh đó, sự tồn tại của các nhà nước cổ ở miền Trung và Nam Việt Nam càng làm phong phú thêm cho văn hóa, tín ngưỡng của người Nam với Bà-la-môn giáo hay Phật giáo tiểu thừa.

Các vấn đề về lịch sử, lễ nghi và thực hành tín ngưỡng của các tín ngưỡng dân gian, Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Bà-la-môn giáo chính là vấn đề quan tâm của chuyên mục Lề thói nước Nam.
Chuyên đề 5: Binh hùng tướng giỏi nước Nam
Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của công cuộc 4000 năm dựng nước và giữ nước. Đây là giai đoạn xuyên suốt của dân tộc Việt Nam với rất nhiều chủ đề hay và hấp dẫn như :
-            Danh tướng nước Nam
-            Danh thư đất Việt
-            Lịch sử khoa học kĩ thuật quân sự Việt Nam
-            Chiến tranh nhân dân trong lịch sử quân sự Việt Nam
-            Chiến tranh du kích trong lịch sử quân sự Việt Nam
-            Từ nỏ thần đến Đồng Cổ
-            Từ thanh dã đến Tiêu thổ kháng chiến
-            NGÀY NÀY NĂM XƯA (5/5 & 19/5)

Chuyên đề 6: Trịnh-Nguyễn phân tranh
Chuyên đề này gắn với 1 giai đoạn dài và đầy khó khăn trong  lịch sử dân tộc và cho cả những người muốn tìm hiểu và nghiên cứu về nó. Đó là giai đoạn mà đất nước chia thành 2 Đàng với 2 chính quyền kình địch nhưng bề ngoài vẫn mang tiếng “phù Lê”. Chính vì sự chia cắt đó, đã dẫn đến sự phát triển mang nét đặc sắc riêng về văn hóa cả ở 2 Đàng.
Thứ nhất, đó là về trang phục. Muốn tìm hiểu về trang phục cung đình và dân gian thì có 1 dấu chỉ đó là trang phục thời Hậu Lê - giai đoạn ngay trước đó.
Thứ hai,  đó là việc chúng ta tìm hiểu về bộ máy tổ chức quan lại của thời kì này vì đây là thời kì mà đất nước chia đôi. Các bạn cần tìm hiểu về sự tổ chức ở cả 2 Đàng ra sao.
Thứ ba, đó là 1 điều không thể thiếu đó là những danh nhân, những con người đã làm nên thời kì này và giữ cho nó ở vào thế đó. Đó là những vị tướng, những vị chúa ở cả hai miền đất nước.
Thứ tư, trong tình cảnh loạn lạc như vậy, văn hóa của dân tộc bị xáo trộn, va đập ra sao khi có quá trình “Nam tiến” và sự xuất hiện của cả đạo Thiên Chúa và người phương Tây.

(Còn nữa...)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trang phục Triều Trần (1225 - 1400)

Trang phục Hoàng đế Nhà Trần tiếp nối nhà Lý một cách hòa bình nên các di sản và giá trị thời Lý vẫn được học theo cũng như vẫn có sự học hỏi từ nhà Tống bên Trung Quốc. 1) Lễ phục Hoàng đế Lễ phục thời Trần của hoàng đế vẫn là Cổn Miện. Quy chế về căn bản vẫn như thời Lý. Lê Tắc trong "An Nam chí lược" cho biết vua Trần có 4 loại mũ là : Mũ Miện, Mũ Thông Thiên, Mũ Phù Dung và Mũ Phốc Đầu. 2) Triều phục Hoàng đế Theo ghi nhận của Lê Tắc trong "An Nam chí lược" thì vua Trần có bộ triều phục Quyển Vân, đội Mũ Quyển Vân (Quyển Vân Quan - 卷雲冠 ). Tên gọi thực tế của Mũ Quyển Vân là Mũ Thông Thiên ( Thông Thiên Quan - 通天冠 )   nhưng do dáng mũ uốn cong như mây cuốn nên tục gọi là Quyển Vân. Ngô Tự Mục thời Tống cho biết : " Mũ Thông Thiên của vua Tống đều dùng hạt Bắc châu uốn kết lại, còn gọi là Mũ Quyển Vân". Mạnh Nguyên Lão thời Tống cũng mô tả: " Hoàng đế đội mũ Thông Thiên, còn gọi là Mũ Quyển Vân, mặc áo bào đỏ, cầm ngọc khuê". ...

HÌNH ẢNH ÁO CỔN TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM

Hình ảnh áo Cổn đã được ghi chép trong hai bộ sử là Đại Việt Sử kí Toàn thư (thế kỉ XV) và Việt Sử lược ( được xác định là ra đời dưới thời  nhà Trần ) . Cả hai bộ sử đều thống nhất rằng áo Cổn đã xuất hiện từ thời nhà Đinh - Tiền Lê thông qua các chi tiết sau: Đại Việt Sử kí Toàn thư của Ngô Sĩ Liên có đoạn “ Thái hậu (tức Thái hậu Dương Vân Nga - Hoàng hậu của vua Đinh Tiên Hoàng) thấy mọi người đều vui lòng quy phục, bèn sai lấy áo (Long) Cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi Hoàng đế. Từ đó Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Thiên Phúc năm đầu [980], giáng phong vua làm Vệ Vương. ” Việt Sử lược cũng có cùng chi tiết “Thái hậu thấy lòng người theo phục, sai người lấy áo (Long) Cổn khoác lên mình vua, xin lên ngôi. Năm Canh Thìn (980), vua lên ngôi …” Như vậy, khi xem xét kĩ càng các chi tiết được đưa ra ta thấy cả hai bộ sử đều ghi nhận sự kiện Thái hậu Dương Vân Nga đã lấy áo (Long) Cổn của nhà Đinh khoác lên người Thập Đạo Tướng quân Lê Hoàn vào năm 980,...

Thiên Ninh công chúa

Thiên Ninh công chúa tên thật là Ngọc Tha hoặc Bạch Tha, con gái trưởng của vua Trần Minh Tông và Lệ Thánh hoàng hậu, bà đồng thời là chị ruột của vua Trần Dụ Tông.  Thiên Ninh công chúa là một trong những người phụ nữ có vai trò quan trọng nhất góp phần bảo vệ quyền lực của nhà Trần cũng như nước Đại Việt trong cảnh nội loạn và ngoại xâm.  Khác với những người phụ nữ họ Trần khác như Linh Từ Quốc Mẫu, An Tư công chúa, Huyền Trân công chúa .v.v. những người có tính ôn nhu hơn  và thực hiện nghĩa vụ theo sự sắp đăt của triều đình. Thì riêng bà là người chủ động, mạnh mẽ và quyết đoán hơn cả. Không dừng ở sự hỗ trợ, bà còn là người trực tiếp mưu tính cũng như tham gia chính sự nhằm cứu vãn cơ nghiệp nhà Trần. Đây là một người phụ nữ cá tính khác thường, một người đặt ra ngoài những ràng buộc lễ nghĩa thông thường vì những mục đích lớn hơn. Như việc bà thông dâm với chính em trai của mình là vua Trần Dụ Tông theo bài thuốc chữa bệnh liệt dương cho vua, khiến cho các n...