Chuyển đến nội dung chính

An Nam truyện - khám phá lịch sử Việt Nam nhìn từ Trung Quốc

Nhan đề “An Nam truyện” dễ khiến người đọc liên tưởng đến các mẩu truyện về nước Nam hồi xưa, nhưng không, đây là các phần ghi chép về nước ta trong chính sử Trung Quốc.
 
Những nội dung trong An Nam truyện mang lại cảm giác khách quan khi đọc các dữ kiện về lịch sử nước ta. Một số sự kiện được đặt trong mạch ghi chép của tác giả Trung Quốc có thể xem như một dịp để tiếp cận lịch sử theo hướng khác. 

Giới nghiên cứu vẫn không ngừng thắc mắc rằng chính sử quan phương của Trung Quốc ghi chép về Việt Nam như thế nào. 
Và trước nay chúng ta chỉ được tiếp cận thông qua các nguồn thứ cấp, thường nhiều người chỉ được nghe, được nhắc đến, chứ chưa được đọc một cách đầy đủ.
Theo Sách Tao Đàn, chính điều này đã làm phát sinh ý tưởng: đặt dịch giả Châu Hải Đường thực hiện một bộ sách để giải đáp thắc mắc trên. Kết quả là công trình An Nam truyện ra đời.
Dịch giả Châu Hải Đường đã bỏ công tỉ mẩn đọc và lọc từ trong 17 bộ sách sử của Trung Quốc, tìm lấy những chuyện, những phần ghi có liên quan đến Việt Nam (nước ta với nhiều tên gọi qua nhiều thời kỳ: Giao Chỉ, Giao Châu, An Nam, Nam Việt...) để chuyển ngữ thành bộ sách này.
Cho nên, đây chính là một phần tư liệu có ích cho những ai muốn tìm hiểu lịch sử nước ta được ghi nhận dưới cái nhìn của sử gia Trung Quốc.
Người Trung Quốc có truyền thống chép sử, và đây chỉ là những phần có "dính dáng" tới Việt Nam trong 17 đầu sách của Trung Quốc: Sử ký, Hán thư, Hậu Hán thư, Tam quốc chí, Tấn thư, Tống thư, Nam Tề thư, Lương thư, Trần thư, Tùy thư, Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Tân Ngũ đại sử, Tống sử, Nguyên sử, Minh sử, Thanh sử cảo.
Lần tìm trong cổ sử để soạn thành sách cho người đọc hôm nay, việc ấy nhiêu khê và có không ít khó khăn. Dịch giả Châu Hải Đường chia sẻ:
"Đây là sách được yêu cầu dịch từ văn ngôn cổ văn của nguyên bản tác phẩm, nên gặp nhiều khó khăn về ngữ pháp, văn phong cổ như: câu văn thường súc tích ngắn gọn và ẩn chủ ngữ… Khi dịch, trong nhiều trường hợp, người dịch phải bổ sung chủ ngữ cho câu văn thêm dễ hiểu và rõ nghĩa hơn.
Thêm vào đó khi dịch cổ sử, đòi hỏi phải tham cứu từ rất nhiều tác phẩm để chọn lựa biên dịch, đồng thời đòi hỏi có độ chính xác cao hơn về tiêu chuẩn "tín" trong dịch thuật, chính vì vậy người dịch phải thận trọng và cẩn thận bám sát với văn bản gốc, dùng từ và phiên âm địa danh phải tra cứu rất nhiều.
Dĩ nhiên văn bản không thể không có sai sót, nhưng rất mong được bạn đọc thiện chí góp ý cổ vũ để người làm sách có thể đưa thêm nhiều sử liệu về Việt Nam từ các nguồn ngoại lai được phổ biến".
Chẳng hạn câu chuyện Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán trong sử nước ta là rất quan trọng bởi đây là sự kiện đánh dấu mốc kết thúc thời kỳ Bắc thuộc để nước ta bước vào giai đoạn độc lập.
Thế nhưng sẽ rất khó tìm thấy sự kiện này trong An Nam truyện, bởi nó chỉ được nhắc rất khiêm tốn trong bộ Tân Ngũ đại sử, ở phần "Nam Hán thế gia".
Đọc sử nước ta từ những trang ghi chép của Trung Quốc như vậy, có thêm một điều thú vị, là cái nhìn về lịch sử nước nhà bấy lâu nay hình thành từ bài học giáo khoa, từ sách vở trong nước sẽ dần dần được mở ra thêm những chiều kích mới.
Có khi sẽ nhận ra từ những mảnh rời trong sách sử "người ta" mà nhiều nhà viết sử nước ta đã đặt để xếp thành hệ thống, làm nên mạch sử nước nhà...
Có như vậy, mới thấy công sức của các thế hệ sử gia Việt Nam thời xưa cũng lao tâm khổ trí như thế nào, trong điều kiện sách vở tài liệu hạn chế, vẫn biên soạn được những trang lịch sử quan yếu, ghi lại được quá trình hình thành dân tộc và con đường lập quốc hào hùng, điều mà trong nhiều thời kỳ ở vị thế đối đầu, sách sử Trung Quốc vẫn ghi nhận nhưng tất nhiên không hề giống như sách sử của ta.
Chẳng hạn ở quyển An Nam truyện này, đọc phần ghi chép trong bộ Nguyên sử sẽ rất khó hình dung vua tôi nhà Trần đã đại thắng quân Nguyên oanh liệt như thế nào!

Đây là dòng chữ Nôm trong bộ Thanh sử cảo mà dịch giả Châu Hải Đường xem như một ca thú vị

"Thanh Sử cảo có đoạn chép như sau: "Thời, Nguyễn Huệ huynh đệ diệc khấu quan thỉnh cống, dĩ kỳ quốc thần dân biểu chí ngôn: Lê Duy Kỳ bất tri tồn vong, thỉnh lập cố vương Duy Đoan chi tử ông hoàng tư Duy Cẩn chủ quốc sự ..."
(Bấy giờ, anh em Nguyễn Huệ cũng đến cửa quan xin cống, đem biểu của thần dân trong nước đến, nói Lê Duy Kỳ không biết còn sống hay đã chết, xin lập con của cố vương Duy Đoan là "ông hoàng tư Duy Cẩn" làm chủ việc nước ...) (An Nam Truyện - trang 138)
Có thể thấy cụm "ông hoàng tư Duy Cẩn" là một cấu trúc Nôm, được các tác giả Thanh Sử cảo chép nguyên văn từ biểu tấu vào mà không qua dịch lại sang Hán văn.
Phải chăng người thông ngôn đã không hiểu rõ lắm để dịch lại? Hay là trong biểu tấu dùng Hán văn, nhưng cụm từ ấy lại dùng chữ Nôm, nên các nhà viết sử cũng bê cả cụm chữ Nôm ấy vào sách?
Dù là thế nào đi nữa, thì vẫn có thể thấy rõ, Nguyễn Huệ đã dùng (một phần hay toàn bộ) chữ Nôm trong biểu tấu dâng thiên triều, chứ không viết hoàn toàn chữ Hán".
Sách còn một phần phụ lục nhưng rất quan trọng, đó là những ghi chép về Chiêm Thành, Phù Nam, Chân Lạp. Đây chính là những nội dung liên quan đến lịch sử Việt Nam nhưng tư liệu thành văn lâu nay rất thiếu thốn.
Nguồn ghi chép từ Trung Quốc về mảng này vẫn là tư liệu tham khảo đắc dụng của các nhà nghiên cứu cả phương Đông và phương Tây lâu nay. Cho nên, cái nhìn từ bên ngoài đối với các sử kiện Việt Nam chắc chắn sẽ mang lại nhiều cảm hứng cho giới quan tâm đến lịch sử, các nhà nghiên cứu và cả những bạn trẻ Việt Nam yêu sử hôm nay.

Nguồn: https://tuoitre.vn/an-nam-truyen-kham-pha-lich-su-viet-nam-nhin-tu-trung-quoc-20180404141402424.htm

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trang phục Triều Trần (1225 - 1400)

Trang phục Hoàng đế Nhà Trần tiếp nối nhà Lý một cách hòa bình nên các di sản và giá trị thời Lý vẫn được học theo cũng như vẫn có sự học hỏi từ nhà Tống bên Trung Quốc. 1) Lễ phục Hoàng đế Lễ phục thời Trần của hoàng đế vẫn là Cổn Miện. Quy chế về căn bản vẫn như thời Lý. Lê Tắc trong "An Nam chí lược" cho biết vua Trần có 4 loại mũ là : Mũ Miện, Mũ Thông Thiên, Mũ Phù Dung và Mũ Phốc Đầu. 2) Triều phục Hoàng đế Theo ghi nhận của Lê Tắc trong "An Nam chí lược" thì vua Trần có bộ triều phục Quyển Vân, đội Mũ Quyển Vân (Quyển Vân Quan - 卷雲冠 ). Tên gọi thực tế của Mũ Quyển Vân là Mũ Thông Thiên ( Thông Thiên Quan - 通天冠 )   nhưng do dáng mũ uốn cong như mây cuốn nên tục gọi là Quyển Vân. Ngô Tự Mục thời Tống cho biết : " Mũ Thông Thiên của vua Tống đều dùng hạt Bắc châu uốn kết lại, còn gọi là Mũ Quyển Vân". Mạnh Nguyên Lão thời Tống cũng mô tả: " Hoàng đế đội mũ Thông Thiên, còn gọi là Mũ Quyển Vân, mặc áo bào đỏ, cầm ngọc khuê". ...

HÌNH ẢNH ÁO CỔN TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM

Hình ảnh áo Cổn đã được ghi chép trong hai bộ sử là Đại Việt Sử kí Toàn thư (thế kỉ XV) và Việt Sử lược ( được xác định là ra đời dưới thời  nhà Trần ) . Cả hai bộ sử đều thống nhất rằng áo Cổn đã xuất hiện từ thời nhà Đinh - Tiền Lê thông qua các chi tiết sau: Đại Việt Sử kí Toàn thư của Ngô Sĩ Liên có đoạn “ Thái hậu (tức Thái hậu Dương Vân Nga - Hoàng hậu của vua Đinh Tiên Hoàng) thấy mọi người đều vui lòng quy phục, bèn sai lấy áo (Long) Cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi Hoàng đế. Từ đó Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Thiên Phúc năm đầu [980], giáng phong vua làm Vệ Vương. ” Việt Sử lược cũng có cùng chi tiết “Thái hậu thấy lòng người theo phục, sai người lấy áo (Long) Cổn khoác lên mình vua, xin lên ngôi. Năm Canh Thìn (980), vua lên ngôi …” Như vậy, khi xem xét kĩ càng các chi tiết được đưa ra ta thấy cả hai bộ sử đều ghi nhận sự kiện Thái hậu Dương Vân Nga đã lấy áo (Long) Cổn của nhà Đinh khoác lên người Thập Đạo Tướng quân Lê Hoàn vào năm 980,...

Thiên Ninh công chúa

Thiên Ninh công chúa tên thật là Ngọc Tha hoặc Bạch Tha, con gái trưởng của vua Trần Minh Tông và Lệ Thánh hoàng hậu, bà đồng thời là chị ruột của vua Trần Dụ Tông.  Thiên Ninh công chúa là một trong những người phụ nữ có vai trò quan trọng nhất góp phần bảo vệ quyền lực của nhà Trần cũng như nước Đại Việt trong cảnh nội loạn và ngoại xâm.  Khác với những người phụ nữ họ Trần khác như Linh Từ Quốc Mẫu, An Tư công chúa, Huyền Trân công chúa .v.v. những người có tính ôn nhu hơn  và thực hiện nghĩa vụ theo sự sắp đăt của triều đình. Thì riêng bà là người chủ động, mạnh mẽ và quyết đoán hơn cả. Không dừng ở sự hỗ trợ, bà còn là người trực tiếp mưu tính cũng như tham gia chính sự nhằm cứu vãn cơ nghiệp nhà Trần. Đây là một người phụ nữ cá tính khác thường, một người đặt ra ngoài những ràng buộc lễ nghĩa thông thường vì những mục đích lớn hơn. Như việc bà thông dâm với chính em trai của mình là vua Trần Dụ Tông theo bài thuốc chữa bệnh liệt dương cho vua, khiến cho các n...